NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 2024: “GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - QUỐC GIA THỊNH VƯỢNG”
- Người viết: Bio Ngon - IMC lúc
- Chia sẻ
“Cám ơn nhà vì đã luôn là nơi
Để về sau mỗi cơn giông
Là nơi để ta được уếu đuối
Và được vỗ về sẽ qua thôi”
(Lời bài hát “Cảm ơn nhà” – Sáng tác: Hứa Kim Tuyền)
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Gia đình cũng là nền tảng, là nơi chắp cánh, cũng là chốn về của mỗi con người. 28/6 hàng năm đều được nước ta kỉ niệm Ngày Gia đình Việt Nam để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình. Năm 2024, Ngày Gia đình Việt Nam mang chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, qua đó càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Nguồn gốc
Khi còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển chung của xã hội. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Vì lẽ đó, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chỉ thị nhấn mạnh việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng; yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.
Gần một năm sau đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, hướng về gia đình, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
2. Ý nghĩa
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu, như: yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đặc biệt phẩm hạnh cao đẹp chảy trong từng tế bào của người con Việt Nam, như chính vị lãnh tụ kính yêu từng viết “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” chính là được lưu giữ, truyền thừa bằng cội nguồn của dòng họ, bằng sự dạy dỗ của gia đình, bằng “lớp cha trước lớp con sau” đời này sang đời khác. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại. Gia đình vẫn mãi là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Quyền hạn, trách nhiệm trong việc xây dựng, vun đắp gia đình giữa người nam và người nữ là như nhau, các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình. Quyền trẻ em được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện và phát huy. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
Tuy nhiên, khi đối mặt với tốc độ phát triển vội vã của xã hội, các giá trị tình thân, gia đình vô tình bị xem nhẹ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình, nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp. Không khó để chúng ta bắt gặp trên báo đài, tin tức thời sự về vấn đề tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng; khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo; không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng. Gia đình từ đó không còn là “chốn về”.
Để gia đình vẫn luôn là nơi chứa “tình yêu bao la, theo như câu ru xưa cho vơi đi nỗi nhọc nhằn trong đời của người”, là nơi hun đúc và bảo tồn và nối tiếp những truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là hạt nhân khỏe mạnh dựng xây xã hội đẹp giàu như Bác Hồ đã kì vọng, thì mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, dành cho nhau thời gian để ấp iu cảm xúc, quan tâm vỗ về, sẻ chia thấu hiểu, để cho mỗi người đều là “đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời”. Có như vậy, xã hội mới có thể phát triển bền vững, thịnh vượng lâu dài.