Rau xanh tham gia như một thành phần không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình từ bình dân đến cao cấp. Đối với các bạn nhỏ, đặc biệt là trẻ em hết sức quan trọng không chỉ cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển mà còn hình thành thói quen ăn uống từ bé. “Không phải mà ngẫu nhiên dân gian có câu “đói ăn rau đau uống thuốc” của ông bà ta đã đúc kết và lưu truyền từ các thế hệ. Bữa ăn thiếu rau xanh không chỉ thiếu dưỡng chất mà còn gây giảm hấp thu dưỡng chất khác. Ví dụ nếu không có rau xanh trong bữa ăn thì hàm lượng đạm hấp thu giảm từ 15-20%” (Theo BS. ThS. Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám – Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia).
Một bữa ăn cân đối và hợp lý phải đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng:
+ Nhóm cung cấp chất bột đường từ ngũ cốc;
+ Nhóm cung cấp chất đạm từ thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ lạc, vừng;
+ Nhóm cung cấp chất béo từ mỡ động vật và dầu thực vật,
+ Nhóm cung cấp vitamin và khoáng chất là từ rau xanh và quả chín.
Bữa ăn tốt nhất lúc nào cũng cẩn đủ 4 nhóm trên ở tỉ lệ cân đối và hợp lý. Nhiều bố mẹ cho rằng chỉ cần cho con ăn nhiều chất bổ (thường là chất đạm) mà không cần rau xanh hoặc ăn quả chín thay cho rau cho được. Quan niệm này là không chính xác. Tuy rau và quả đều cung cấp vitamin và khoáng chất nhưng không thể thay thế, vì hàm lượng các vitamin và khoáng chất trong mỗi loại rau quả khác nhau, rau là nguồn cung cấp chất xơ, kích thích nhu động ruột giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn.
Vậy đưa rau vào bữa ăn của trẻ như thế nào là hợp lý?
Tháng tuổi càng tăng thì lượng rau cũng tăng dần. Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi mỗi bữa ăn cần 20g rau; từ 1 – 2 tuổi cần 30g cho mỗi bữa ăn. Nên thay đổi đa dạng các loại rau để trẻ ăn ngon miệng, bố mẹ luôn nhớ phải cho trẻ ăn cả cái, chứ không nên chỉ luộc lấy nước cho trẻ ăn.
Từ 3 tuổi trở lên rau xanh cần được nấu riêng dạng canh hoặc xào; nếu ăn cháo, mỳ vẫn phải thái rau cho vào các bữa ăn của trẻ, ở tuổi này ăn khoảng 40 – 50g. Rau nên thái nhỏ nấu canh giúp trẻ dễ ăn hơn.
Ngoài các loại rau lá, có thể cho ăn các loại rau củ như: su hào, su su, bí, bầu, mướp. Trẻ dưới 1 tuổi có thể nấu các loại rau củ cùng cháo rồi xay nhuyễn thành bột cho trẻ ăn. Trẻ từ 2 tuổi có thể luộc đậu đỗ, su su, su hào cho trẻ tập nhai.
Để tập cho trẻ có thói quen thích ăn rau, bố mẹ phải tập cho con ăn từ nhỏ, cho ăn đa dạng loại rau, như vậy khi lớn lên trẻ sẽ có thói quen và thích ăn rau, đó cũng là một trong những biện pháp phòng chống thừa cân béo phì, một tình trạng bệnh lý đang gia tăng ở trẻ hiện nay, mà phần lớn các trẻ béo phì thường không thích ăn rau.
Làm thế nào để bé thích ăn rau hơn?
Bố mẹ nên chế biến các loại rau thành các món canh, xào, luộc để bé thay đổi khẩu vị trong các bữa ăn chính. Ngoài ra, bố mẹ nên chế biến và trình bày các món từ rau củ bắt mắt. Bạn có thể làm từ rau củ trộn với mayonnaise, nhồi thịt vào đậu bắp, thịt nhồi cà chua hay canh thịt bằm cuộn với bắp lá cải. Bé không chỉ cảm nhận độ ngon của món bằng vị mà còn bằng mắt nữa. Ở nhà, bạn có thể cùng bé sơ chế, lặt lựa, trò chuyện và rửa rau trước khi đem nấu. Bé sẽ có thêm niềm hứng thú khi ăn rau do chính mình thực hiện.
Nên cho bé ăn những loại rau nào?
Những loại rau sau đây rất cần thiết đối với trẻ như: các loại rau lá xanh đậm, xanh lục như bông cải xanh, cải bó xôi, rau ngót, rau muống, rau dền, mồng tơi… các loại củ quả có màu vàng cam như cà rốt, bí ngô, cà chua, khoai tây; các loại đậu như đậu cô ve, đậu cove Nhật non, đậu Hà Lan…
Ăn trái cây có thay được rau?
Trái cây đúng là rất tốt, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, lại không dễ bị hao hụt do không phải qua chế biến nhưng nếu dùng trái cây thay rau xanh là không hợp lý. Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau cao hơn trái cây, ví dụ hàm lượng beta caroten, các loại vitamin và khoáng chất trong rau dền cao gấp 2 – 6 lần trong cam, chanh. Các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón cho trẻ, các bé thường xuyên gặp phải tình trạng này các mẹ cần lưu ý.
Một số loại rau nhất là rau gia vị còn có tác dụng phòng, chữa trị nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật rất quý như: hành, cà rốt, tỏi, tía tô… Như vậy, rau có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Vì vậy bên cạnh việc cho con uống nước cam, nước chanh, ăn dưa hấu, hồng xiêm… các bà mẹ cần nhớ cho thêm rau xanh mỗi khi nấu cháo, bột, cơm cho con ăn. Càng cho trẻ ăn nhiều loại rau và hoa quả thì càng cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.
Hiện nay, nhiều người sợ không cho trẻ ăn rau do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sợ ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật. Để giảm bớt đi tình trạng này cần phải mua rau ở cửa hàng rau sạch – hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, khi nấu ăn cần phải rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần (ít nhất là 3 lần). Để rau bớt hao hụt các chất dinh dưỡng dạng vết nên rửa sạch mới thái; khi nấu nên đậy vung, ăn ngay sau khi nấu. Tuyệt đối không để qua đêm các món rau, đặc biết các loại rau càng bổ dưỡng càng có khả năng gây độc cao khi để qua đêm. Tốt nhất là sử dụng rau tươi trong vòng 48h. Và hạn chế lưu trữ dài ngày trong tủ lạnh để đảm bảo dinh dưỡng và các vi chất quan trọng, thiết yếu.
Rau xanh rất quan trọng với trẻ, vì vậy bố mẹ nên thường xuyên đưa rau xanh vào bữa ăn hàng ngày của trẻ. Tạo hình các nhân vật dễ thương và các câu chuyện về rau củ quả để các con có hứng thú trong bữa ăn.
Tại Bio-Ngon, chúng tôi cung cấp các loại rau sạch, hữu cơ tươi, ngon, bổ dưỡng, chất lượng, đồng hành cùng bố mẹ mang đến cho con trẻ những bữa ăn ngon, đủ chất.
Viết bình luận
Bình luận